Người Việt có câu: “Hát hay không bằng hay hát”. Trải qua thời gian, dường như điều đó đã nghiễm nhiên là một thứ triết lý âm nhạc bất thành văn ăn sâu vào tận gốc rễ quan niệm cùng tập quán văn hóa của đại chúng.


Có thể cho rằng câu nói này hình thành trên cơ sở lý luận “kim tự tháp” mà người ta đã áp dụng cho mọi mô hình phát triển từ thấp đến nâng cao. Nghĩa là có mặt bằng rộng mới xây nên đỉnh cao - tức là phải phát triển tính phong trào, nghiệp dư rộng rãi mới có thể tạo nên một tầm cao chuyên nghiệp. Điều này hoàn toàn logic về mặt phát triển.

Bạn đang xem: Hát hay không bằng hay hát


*

Tuy nhiên, khi nó đã trở thành một thứ triết lý mà không phải là sách lược của một quy trình phát triển thì đỉnh cao chuyên nghiệp sẽ có nguy cơ bị bào mòn và đánh đồng cùng nghiệp dư, phong trào. Hãy nhớ, cũng có câu cửa miệng khác nhắc nhở: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nghĩa là khi hướng đến chuyên nghiệp rồi thì không cần số lượng “tài tử” mà cần thiểu số tinh hoa.

Chúng ta đang chứng kiến một nền âm nhạc Việt Nam hôm nay ráo riết đánh động và phát triển tính nghiệp dư mà không chú trọng gì đến kích thích sự nâng tầm lên đỉnh của chuyên nghiệp. Cho nên, triết lý “hay hát” ở đây vô tình đã giữ chân âm nhạc Việt Nam thỏa mãn trong cái đồng bằng phong trào và nghiệp dư bao la mà cơ hồ như không thấy những hình bóng hùng vĩ của cao nguyên chuyên nghiệp đâu cả!

Thêm The X-Factor (Nhân tố bí ẩn) nhập cảnh Việt Nam cho thấy triết lý nêu trên đang càng ngày được ưa chuộng. Sau Idol rồi The Voice, giờ lại thêm The X-Factor, bên cạnh những mặt hàng quốc nội lâu đời như: Tiếng hát truyền hình, Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn… Mở tivi trong giờ vàng là thấy thi... hát! Âm nhạc Việt đang thành một phòng hát karaoke vĩ đại, hay nói đúng hơn Việt Nam đang ở trong một âm quyển karaoke!

Người Việt phải chăng tự hào vì tiếng nói của mình có 6 thanh ngữ điệu gần như 7 nốt trầm bổng của thang âm Tây phương, mà người ngoại quốc vẫn thường nhận xét “nói như hát”? Cho nên, chúng ta có vẻ tự tin rằng nói còn như hát, huống gì hát thì phải là hạng… siêu hát!? Tuy nhiên, cũng có những nhà âm nhạc nước ngoài nhận xét: Người Việt hát như… nói! (dĩ nhiên không phải ám chỉ đến đọc Rap!). Vì nói chỉ so với nói, còn khi hát phải so với hát. Thanh ngữ điệu không có độ cao chính xác, còn thang âm thì chính xác như toán học với những đơn vị đo chi li. Đó là chưa nói đến cấu tạo của thanh quản người Việt có tính yếu hơn so với một số nước.

Xem thêm: Review Sách Đừng Cố Gắng Bán Hãy Giúp Khách Hàng Mua, Đừng Cố Gắng Bán, Hãy Giúp Khách Hàng Mua


Ngoài ra, chúng ta cũng đang chung chạ với âm quyển karaoke hằng ngày, từ loại hình hát với nhau đến karaoke cộng đồng và cả karaoke tại gia. Tai nghe chúng ta đang được “huấn luyện” thường xuyên - dù muốn hay không - trong cái âm quyển nghiệp dư nhưng vang rất to, rất lâu, rất rộng ấy. Một âm quyển không bình thường mà phải nói là đang bị ô nhiễm âm thanh, cộng thêm sự bỏ trống về giáo dục thẩm âm nên càng ngày, trình độ mỹ học âm nhạc của nhiều người không phát triển mà xuống cấp. Dân trí âm nhạc đi xuống kéo theo nền âm nhạc xuống cùng.

Một đất nước không nhiều người có tài hát hay, chỉ có tài hay hát cũng như thiếu những nhà âm nhạc chuyên môn đủ nội lực và bản lĩnh ngồi ghế giám khảo song lại có hàng loạt cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc không thua mà có thể còn hơn những cường quốc về âm nhạc như thế thì hầu như sẽ cho ra những sản phẩm nghiệp dư nối tiếp phong trào mà thôi.