Trong bối cảnh nhu cầu tàu biển đóng mới chưa hồi phục, các doanh nghiệp đóng tàu lại phải đối mặt với khó khăn không nhỏ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị nỗ lực khai phá những thị trường mới, đóng những gam tàu quy mô vừa nhưng có giá trị cao.


Tuy nhiên, ngành đóng tàu muốn phục hồi bền vững phải giữ được lao động lành nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bạn đang xem: Ngành đóng tàu việt nam

Đi bằng "hai chân": Vừa sửa chữa, vừa đóng mới

Tàu biển phục vụ các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch là một trong những sản phẩm thế mạnh của các đơn vị đóng tàu ở khu vực phía Nam. Những năm gần đây, Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) thường xuyên nhận đơn hàng đóng mới tàu du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều sản phẩm đóng mới của SSIC đã phải giãn, hoãn tiến độ vì nhu cầu của thị trường đi xuống. "Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng mạnh. Những sản phẩm phục vụ du lịch, vận tải như tàu biển chở khách mà chúng tôi đang đóng cũng bị thu hẹp thị trường. Chủ tàu gặp khó khăn nên bắt buộc phải lùi thời gian hoàn thành, bàn giao tàu", ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc SSIC cho biết.

*
*
*
*
Tàu kéo đóng mới cho chủ tàu nước ngoài được hoàn thiện tại Công ty Đóng tàu Sông Cấm (Hải Phòng).

Trong bối cảnh thị trường đóng mới ngưng trệ, nhưng khối sửa chữa vẫn duy trì công việc khá đều, đây được xem là lĩnh vực cần tăng cường để duy trì việc làm cho người lao động. Đối với những đơn vị mảng sửa chữa đóng góp lớn vào doanh thu như Công ty Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin), tuy giá trị hợp đồng sửa chữa không nhiều nhưng đáng quý trong bối cảnh khó khăn chung. Theo ông Đỗ Văn Khoa, Chủ tịch Saigon Shipmarin, trong năm 2020, số lượng hợp đồng đóng mới và sửa chữa tàu biển của công ty giảm đáng kể. Các tàu đưa về nhà máy sửa chữa không đúng kế hoạch do phải nằm vùng cách ly, kiểm tra y tế để phòng, chống dịch. Công ty cũng tìm kiếm nguồn sản phẩm mới như sửa chữa, gia công kết cấu thép; sơn, làm sạch bề mặt kim loại... Thời gian tới, Saigon Shipmarin tiếp tục phát huy thế mạnh về sửa chữa tàu, lĩnh vực này đóng góp 30-50% doanh thu.

Xem thêm: Ngắm Bộ Sưu Tập Những Đồng Tiền May Mắn Của Việt Nam, Đồng Tiền May Mắn

Ở khu vực phía Bắc, một số đơn vị đóng tàu có truyền thống như Công ty Đóng tàu Phà Rừng, Công ty Đóng tàu Nam Triệu cũng ghi nhận những đơn hàng dành cho gam tàu lớn ít dần do ngành vận tải biển chưa phục hồi, thị trường dư thừa tàu trọng tải lớn. Ông Vũ Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Nam Triệu chia sẻ, dự báo thị trường đóng mới tiếp tục trầm lắng nhưng sửa chữa sẽ tăng trưởng tốt do dịch Covid-19 tàu ít đi nước ngoài. Các đơn vị đóng tàu đáp ứng sửa chữa tốt hơn, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Tăng trưởng doanh thu về sửa chữa sẽ bù đắp được một phần việc thiếu hụt đơn hàng đóng mới, giúp duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.

Tìm kiếm những thị trường ngách

Trước khó khăn chung do những yếu tố khách quan bất lợi, một số đơn vị đóng tàu vẫn không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường. Đối với Công ty Đóng tàu Hạ Long, năm 2020 dự kiến doanh thu đạt 330 tỷ đồng, vượt so với mức 315 tỷ đồng kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân của người lao động hơn 10 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm 2019 khoảng 10%. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long cho biết, hiện công ty đang triển khai thi công nhiều sản phẩm xuất khẩu như tàu chở khách; tàu khai thác cá, cua đóng cho chủ tàu nước ngoài; tàu chở than, tàu du lịch trên vịnh, nhà hàng nổi cho khách trong nước... Một đơn vị khác thuộc SBIC là Công ty Đóng tàu Sông Cấm đang đều đặn bàn giao tàu đóng mới với tần suất 2 tàu/tháng, dự kiến cả năm bàn giao 24 tàu, tập trung vào các loại tàu kéo, tàu cứu hộ có hàm lượng giá trị và yêu cầu kỹ thuật cao.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc SBIC, tổng công ty và các đơn vị thành viên đã chủ động tìm kiếm mô hình hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tăng năng lực, phát triển thị trường. Với tàu đóng cho nước ngoài, SBIC xác định tìm kiếm, tiếp cận thị trường ngách, không nhất thiết phải là các serie tàu thương mại tải trọng lớn, chấp nhận đóng với số lượng tàu trong mỗi đơn hàng ít để thâm nhập trở lại thị trường. "SBIC kỳ vọng sớm hoàn thành tái cơ cấu nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả. Khó khăn nhất là xử lý các khoản nợ cũ, vốn kìm chân doanh nghiệp. Nếu thay đổi hình thức sở hữu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, sẽ tốt hơn cho người lao động, đem lại nhiều việc làm, nâng cao thu nhập”-ông Đạt chia sẻ.

Từ đánh giá của chính chủ tàu trong và ngoài nước, ông Lê Văn Hải, Chủ tịch Công ty Đóng tàu Sông Cấm nhìn nhận, trình độ tay nghề của công nhân đóng tàu Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực, đáp ứng được tiêu chuẩn cao của thế giới. Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề rất khó tuyển sinh đầu vào với các ngành nghề phục vụ cho đóng tàu. Trong khi, để một công nhân được đào tạo đúng chuyên ngành có thể đảm đương công việc cần 2-3 năm kinh nghiệm. Nếu không chuẩn bị nguồn nhân lực bổ sung thì rất khó đón đầu cơ hội khi thị trường tàu biển phục hồi.